Giáo dục Sài Gòn khởi đầu với chữ Nho. Pháp chiếm Sài Gòn vào năm 1858, thiết lập giáo dục chữ quốc ngữ năm 1878, Nho học Sài Gòn chấm dứt từ đấy! Có thể chia Nho học Sài Gòn thành 4 thời kỳ:
Cho tới đầu thế kỷ XX, giáo dục Sài Gòn tuy trải qua mấy thập niên niên “Tân học” với chữ quốc ngữ rồi, nhưng người Sài Gòn còn nặng “tinh thần Nho giáo” trong giáo dục. Và giáo dục Sài Gòn lúc nầy chưa xóa được tánh “trọng nam khinh nữ”, không chú trọng đúng mức đến nữ giới.
Đến năm 1908, một số trí thức Việt Nam ở Sài Gòn đề nghị chính quyền Pháp thành lập một ngôi trường dành cho nữ giới. Một trong những người nầy là ông Bùi Quang Chiêu.
Bùi Quang Chiêu (1873-1945) người Mỏ Cày, Bến Tre, sanh trong gia đình có truyền thống Nho học. Ông học Trung Học Mỹ Tho, Chasseloup Laubat Sài Gòn rồi hoàn tất Trung Học tại Alger, thủ đô nước Algerie lúc nầy thuộc địa Pháp. Trong thời gian học tại Algerie, người học trò Bùi Quang Chiêu nhận được sự bảo đảm trách nhiệm (correspondant) của Hàm Nghi, vị Hoàng Đế Việt Nam bị Pháp lưu đày tại đây! Và nhờ vậy Bùi Quang Chiêu là người Việt Nam duy nhứt bấy giờ có dịp gần gũi và học được “tinh thần yêu nước” nơi Vua Hàm Nghi.
Học xong Trung Học, Bùi Quang Chiêu được học bổng sang Pháp, tại đây Ông tốt nghiệp Kỹ Sư Nông Nghiệp năm 1897. Về nước thời gian đầu làm việc tại Bắc Kỳ, lúc nầy lần đầu tiên ông hoạt động với chức Hội Trưởng Nam Kỳ Đồng Hương Tương Tế Hội.
Về Nam, Bùi Quang Chiêu làm Hội Trưởng Hội Khuyến Học Nam Kỳ, và cùng với các nhà trí thức yêu nước như Dương Văn Giáo, Diệp Văn Kỳ, Nguyễn Phan Long, BS Nguyễn Văn Thinh… thành lập đảng Lập Hiến Đông Dương: Đòi hỏi Việt Nam tự trị bước đầu, để rồi đi đến thể chế Quân chủ Lập Hiến.
Bùi Quang Chiêu đắc cử Phó Chủ Tịch Hội Đồng Quản Hạt, được bầu làm thành viên Hội Đồng Cải Cách Tiền Tệ Đông Dương và là người tích cực vận động phong trào Duy Tân ở Nam Kỳ. Mật thám Pháp coi Bùi Quang Chiêu là “kẻ thù nguy hiểm”, Việt Minh kết tội ông là “Việt gian”. Cuối cùng Bùi Quang Chiêu cùng 4 người con trai bị Việt Minh thủ tiêu tại Chợ Đêm ngày 29-9-1945. Năm ấy ông 72 tuổi!
Năm sau, 1909, Hội Đồng Quản Hạt chấp thuận đề nghị của Bùi Quang Chiêu và các trí thức, về việc xây một ngôi trường dành riêng cho nữ giới tại Sài Gòn. Do chưa có kinh phí nên Bùi Quang Chiêu là người tích cực đóng góp tài chánh và tổ chức lạc quyên gây quỹ xây trường.
Bốn năm sau, khi cuộc lạc quyên gom đủ tiền, một buổi lễ đặt viên đá đầu tiên được tổ chức ngày 6/11/1913 với sự chủ tọa của Toàn Quyền Pháp tại Đông Dương là Albert Sarraut.
Một dãy nhà đầu tiên của trường được xây trên khu đất rộng ở đại lộ Legrand de la Liraye, trước 75 có tên là đường Phan Thanh Giản, nay là đường Điện Biên Phủ. Nhiều vật liệu xây dựng được chở từ Pháp sang, trong đó có ngói nung màu đỏ phía dưới có khắc chữ “Marseille.
Trường Áo Tím Sài Gòn ngày xưa, còn đâu!
Năm 1915, trường xây dựng xong và khai giảng năm đầu tiên. Ông Ernest Nestor Roume là Toàn Quyền Đông Dương và Thống Đốc Courbeil là người cắt băng khánh thành và tuyên bố khai giảng khóa đầu tiên cấp Tiểu Học, với chỉ có 42 nữ sinh.
Ban tổ chức đề nghị đồng phục cho nữ sinh là áo dài màu tím, “tượng trưng cho đức tính đoan trang, kín đáo và khiêm nhường của người thiếu nữ Việt Nam”. Trường có tên là Trường Áo Tím là vậy.
Nữ sinh của trường lúc nầy đều cư ngụ ở Sài Gòn và vùng lân cận, mãi về sau mới có cư xá dành cho nữ sinh đến từ các tỉnh. Trường dạy ba cấp ở bực Tiểu Học như: Đồng Ấu (Enfantin), Cao Đẳng (Supérieur), năm cuối Sơ Học. Học sinh phải thi lấy chứng chỉ căn bản giáo dục sau khi tốt nghiệp năm cuối Sơ Học.
Năm 1918, vì số lượng học sinh gia tăng, trường xây dựng thêm một tòa nhà thứ hai song song với tòa nhà cũ. Tòa nhà mới, tầng dưới dùng làm cư xá cho các học sinh xa nhà, phía sau là bịnh xá, phòng giặt và nhà bếp. Nơi đây đồng thời cũng là nơi giảng dạy các môn nữ công gia chánh và thêu thùa cho nữ sinh Áo Tím.
Đến tháng 9 năm 1922, trường nâng lên thành trường Trung Học Đệ Nhứt Cấp. Albert Sarraut bấy giờ là Toàn Quyền đến khai giảng lớp đầu tiên của bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp. Trường đổi tên là Collège Des Jeunes Filles Indigènes (Trường Con Gái Bản Xứ). Và mặc dầu có một phiên đá cẩm thạch khắc chữ Collège Des Jeunes Filles Indigènes dựng lên trước cổng trường, nhưng người Sài Gòn vẫn gọi với cái tên Trường Áo Tím.
Hiệu trường đầu tiên là một cô giáo người Pháp tên là Lagrange.
Để được vào học, học sinh phải vượt qua kỳ thi tuyển. Thời gian nầy tiếng Pháp được dạy từ cấp lớp căn bản cho đến bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp, trong khi tiếng Việt chỉ được dạy mỗi tuần 2 tiếng trong giờ Việt Văn.
Trong trường, nữ sinh chỉ được dùng tiếng Pháp để giao tiếp, không được dùng tiếng Việt.
Năm 1940, vì quân Nhựt chiếm đóng cơ sở của trường, rồi sau đó đến quân đội Anh, nên trường dời về trường Tiểu Học Đồ Chiểu Tân Định. Cũng trong năm nầy, vì muốn xóa tàn tích Pháp nên trường đổi tên là Collège Gia Long, rồi Lycée Gia Long.
Tên nữ Trung Học Gia Long với lịch sử như thế và tồn tại mãi đến năm 1975.
Năm 1947, khi được người Anh trao trả, trường bị hư hại nhiều đến nỗi vị Hiệu Trưởng lâm thời phải vận động quyên góp tài chính để tu sửa trường.
Năm 1949, trường lại được mở rộng: một tòa nhà hai tầng được xây mới ở đường Bà Huyện Thanh Quan để đáp ứng số lượng học sinh ngày càng tăng.
Năm 1950 lần đầu tiên Hiệu Trưởng là người Việt đồng thời cũng là một cựu nữ sinh của trường là cô Nguyễn Thị Châu. Đến 1952, chương trình giáo dục Việt Nam dần thay thế chương trình giáo dục Pháp. Học sinh phải học cả hai ngoại ngữ là Anh-Pháp song song. Kỳ thi tuyển vào trường lúc nầy càng khó hơn trước vì thí sinh đến từ khắp nơi trong miền Nam. Thí dụ năm 1971 có 8,000 học sinh dự thi nhưng chỉ có 819 em chấm đậu.
Năm 1953, đồng phục trường đổi từ áo dài tím sang áo dài trắng với phù hiệu là Bông Mai Vàng được may lên trên áo, đồng thời sau đó chương trình giáo dục bằng tiếng Pháp của trường cũng được đổi sang tiếng Việt hoàn toàn. Và tên trường Áo Tím từ đây chỉ còn là hoài niệm!
Trường vẫn tiếp tục phát triển: 1964 trường bỏ chế độ nội trú, sửa các phòng ở thành phòng học với tổng cộng 3,000 học sinh, chia ra 55 lớp từ đệ Tứ đến đệ Nhứt học buổi sáng; và 45 lớp từ đệ Thất đến đệ Ngũ học buổi chiều. Năm 1965, trường xây thêm thư viện.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, trường Gia Long bị xóa tên!
Hiệu Trưởng: từ đầu đến năm 1975
1914-1920: Cô Lagrange
1920-1922: Cô Lorenzi
1922-1926: Cô Pascalini
1926-1942: Cô Saint Marty
1942-1945: Cô Fourgeront
1945-1947: Cô Malleret
1950-1952: Cô Nguyễn Thị Châu
1952-1963: Cô Huỳnh Hữu Hội
1963-1964: Cô Nguyễn Thu Ba
1964-1965: Cô Trần Thị Khuê
1965-1969: Cô Trần Thị Tỵ
1969-1975: Cô Phạm Văn Tất
Và huyền thoại “Áo Tím”
Bà Tùng Long là cựu học sinh trường Áo Tím, là người khởi xướng mục “Gỡ rối tơ lòng” trên báo Sài Gòn Mới năm 1953 đã làm cho ngôi trường Áo Tím Sài Gòn đi vào huyền thoại cho tới nay.
Và phải chăng vì bà là cựu học trò trường Áo Tím mà các tiểu thuyết của bà như: Bóng người xưa, Đời con gái, Một lần lầm lỡ, Mẹ chồng nàng dâu, Nẻo về tình yêu, vân vân có thêm nhiều bạn độc giả bạn gái?
Màu áo tím của trường, “tượng trưng cho đức tính đoan trang, kín đáo và khiêm nhường của người thiếu nữ Việt Nam”, sau nầy được nói đến là “Áo Tím” rồi “Áo Trắng” Gia Long. Áo Tím, mực tím, hoa tím, màu tím… luôn là cái gì gợi hứng cho nhiều nghệ sĩ sáng tác sau nầy.
Và bài “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím” của nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà, nhắc nhớ bao thế hệ về một ngôi trường có mặt giữa Sài Gòn trên 60 năm: Trường Áo Tím!
Mười năm trước em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh…
Nam Sơn Trần Văn Chi
Bùi Quang Chiêu và Trường Áo Tím
(Ảnh: Manhhai, Flickr)
Khung Trời Dĩ Vãng… Thời gian mười lăm năm giảng dạy tại trường nữ trung học Gia Long là thời gian đẹp nhất trong đời tôi. Lúc ấy tôi đang ở tuổi hăng say làm việc, tôi đang sống tại quê nhà, đang phục vụ đất nước và cũng là lúc tôi gặp những khuôn mặt thật đáng yêu. Những lý do chính đáng đó đã cho tôi một khung trời dĩ vãng tuyệt vời nơi ngôi trường Gia Long thân yêu tràn đây kỷ niệm của mười lăm năm:
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình (Kiều)
Là giáo sư Sinh Học của những lớp thi Tú Tài kiêm thêm chức vụ Trưởng Phòng Sinh Hoạt Học Đường (1965-1970) tôi đã dành hết thời gian sống cho ngôi trường thân yêu, bỏ dạy tư, bỏ những lớp luyện thi Y Dược hái ra tiền, ngay cả từ chối đi tu nghiệp tại Mỹ…để hoạt động cho nhu cầu của Gia Long lúc ấy, công tác giáo dục song song với công tác văn hóa xã hội. Vì yêu văn chương và say mê nghệ thuật, tôi đã hăng hái tham gia văn nghệ nhà trường. Từ ngày là Trưởng Phòng Sinh Hoạt, hằng năm vào dịp Tết Nguyên Đán, tôi đề nghị nhà trường tổ chức Đại Nhạc Hội với mục đích gây qũy. Tôi đảm trách bộ môn kịch. Từ năm 1965 trở đi Gia Long nổi tiếng với các thi kịch như Tro Tàn Điện Ngọc, Bến Nước Ngũ Bồ, Thiên Hương, Vân Muội và các thoại kịch như Dưới Chân Tường, Người Viễn Khách Thứ Mười, Thành Cát Tư Hãn. Tất cả các vở kịch trên trừ Thành Cát Tư Hãn đều do các nữ sinh ưu tú trẻ đẹp trình diễn. Xin nhấn mạnh “các nữ sinh ưu tú” vì các kịch sĩ bất đắc dĩ này ngoài thanh, sắc, tài còn là những học trò giỏi, ham mê nghệ thuật mà vẫn ham học.
Năm 1970, trường Gia Long vừa tròn 50 tuổi. Để kỷ niệm 50 năm thành lập, cô Trần Thị Tỵ, Hiệu Trưởng Gia Long thời đó mời tôi tới văn phòng đàm đạo, có ý tạo một ngày kỷ niệm đặc biệt cho trường. Tôi đề nghị một Đại Nhạc Hội trong hai đêm với đầy đủ các bộ môn Thi, Ca, Vũ, Nhạc, Kịch. Phần Ca và Vũ do cô Kim Oanh, Trưởng Ban Văn Nghệ phụ trách. Phần Thơ, Ca dao, Hò Huế do cô Đặng Tống Tịnh Nhơn lo. Tôi đảm nhận Kịch, cái đinh của chương trình. Nhiều giáo sư khác phụ giúp chúng tôi vì đều lo việc chung cho ngôi trường thân yêu. Tôi chọn vở “Thành Cát Tư Hãn” của tác giả Vũ Khắc Khoan và đề nghị với cô Hiệu Trưởng để toàn ban giảng huấn trình diễn. Một đề nghị táo bạo! Chưa bao giờ các Giáo Sư của trường Gia Long nói riêng và của miền Nam nước Việt nói chung lên sân khấu đóng kịch. Cô Hiệu Trưỏng không gạt bỏ ý kiến này nhưng cô ngần ngại vì hai lý do:
- Thứ nhất, các giáo sư quen giảng dạy nhưng mấy ai đã lên sân khấu trình diễn?
- Thứ hai, vở Thành Cát Tư Hãn do các sinh viên Khoa Học đương diễn trên sân khấu hồi tháng trước bị chính tác giả, kịch sư Vũ Khắc Khoan yêu cầu ngưng đóng vì ông không hài lòng với lối diễn xuất của sinh viên trong các vai trò.
Chính tôi cũng ngần ngại, một khi đã quảng cáo chương trình Đại Nhạc Hội, vé đã bán ra, khán thính giả ngồi chật rạp mà giáo sư Vũ Khắc Khoan cắt ngang thì ra sao? Hay là tìm một vở kịch khác? Nhưng tôi vẫn nuôi mộng Gia Long đưa “Thành Cát Tư Hãn” lên sân khấu. Cuối cùng, tôi thuyết phục được cô Hiệu Trưởng để “Thành Cát Tư Hãn” mừng Gia Long 50 tuổi trước mắt dân chúng Thủ Đô. Nhà trường chọn rạp Quốc Thanh trên đường Trần Hưng Đạo cho hai đêm trình diễn và một buổi tổng dượt. Mỗi đêm năm tiếng đồng hồ. Riêng vở kịch đã choán hết hai tiếng, thời gian còn lại dành cho Thi, Ca, Vũ, Nhạc.
Nguyên vở “Thành Cát Tư Hãn” dài tới bốn giờ. Vậy là phải cắt tuồng. Cắt tuồng không phải dễ. Lấy đoạn nào, bỏ đoạn nào mà vẫn giữ được nguyên ý tác giả, vẫn giữ được vẻ thuần nhất của vở kịch. Cắt xong phải viết đệm kết nối những đoạn sẽ diễn trên sân khấu cho mạch lạc mà vẫn hấp dẫn cảm quan của khán thính giả. Soạn kịch xong, trình lại giáo sư Vũ Khắc Khoan, ông có chuẩn y tôi mới tìm diễn viên.
Thành phần diễn viên nằm trong Ban Giảng Huấn. Cả tháng trời dò hỏi ý kiến các đồng nghiệp… lần lần tôi tìm ra nhân tài.
- Bà Giám Học Huỳnh Thanh Nhạn đảm nhận vai Thành Cát Tư Hãn, vị Đại Hãn Mông Cổ, con người uy vũ bao trùm thiên hạ, con người bách chiến bách thắng. Trong vở, Đại Hãn mang quân xâm lăng xứ Tây Hạ, giết vua, đoạt công chúa, chỉ gờm sợ một viên tướng Tây Hạ tài ba đã thoát trùng vây. Viên tướng này (không có mặt trên sân khấu) là anh của nho sinh Sơn Ca, người có biệt tài châm biếm làm Thành Cát Tư Hãn tức giận điên cuồng mà vẫn tâm phục. Vai Thành Cát Tư Hãn là vai chính đòi hỏi dầy công tập luyện.
- Vai lão tướng Dương Bân do cô Chu Kim Long, giáo sư Triết đóng. Dù là vai phụ, cô Long vẫn vui vẻ nhận vì cô yêu sân khấu. Hồi ấy cô Long còn trẻ mà phải hóa trang thành một viên tướng Mông Cổ già râu tóc bạc phơ. Thật tội nghiệp và cũng thật đáng khâm phục!
- Vai loạn tướng Thúc Bột Đào, tôi nhắm cô Đặng Kim Chi. Viên tướng Mông Cổ này bất đồng ý kiến với Đại Hãn nên tạo phản. Hồi ấy cô Chi là Hiệu Trưởng trường trung học Sương Nguyệt Ánh nhưng là cựu giáo sư Pháp Văn Gia Long nên cô bằng lòng nhận giúp. Cô Chi có khuôn mặt quyến rũ và nhân dáng hấp dẫn. Cô còn là tay hóa trang giỏi (các vai do các nữ sinh trình diễn thường được cô tô mày, vẽ mặt khi ra tuồng).
- Vai Công Chúa Tây Hạ do hai người luân phiên đóng: đêm đầu, nữ sinh Kim Đức, và đêm thứ hai, cô Kim Oanh. Kim Đức là một diễn viên xuất sắc của ban kịch nhà trường, cô Kim Oanh là con người đa năng đa hoạt. Cả hai đều đã quen sân khấu. Tôi an tâm.
- Vai Người đàn bà Tây Hạ, một vai trò bi thảm, đòi hỏi nhiếu kịch tính do cô Hạnh phụ trách. Cô chưa bao giờ lên sân khấu nhưng cô Kim Oanh hứa cùng tôi chỉ dẫn tường tận. Tin ở tài “quấy nước lã nên hồ” của cô Kim Oanh, tôi bớt lo.
- Vai Ông già Tây Hạ tượng trưng cho sức sống cao quý bất khuất của dân Tây Hạ, không chịu cúi đầu trước uy vũ và bạo lực của kẻ xâm lăng do cô Điệp, giáo sư Anh văn đảm trách. Cô Điệp vóc dáng bé nhỏ, gầy còm nhưng giọng nói cương nghị, khúc chiết. Những yếu tố “cần và đủ” cho vai trò. Tôi mừng vì đã mời được cô. Chỉ dẫn kịch cho cô không khó. Hai chúng tôi là bạn tâm đắc.
- Vai Sơn Ca, đối thủ của Thành Cát Tư Hãn tuy trẻ nhưng cao ngạo, khật khưỡng mà thông minh, châm biếm mà tế nhị, nhã nhặn mà dị kỳ, đa cảm mà can trưòng. Vai này đòi hỏi sự diễn tả nội tâm để làm nổi bật cá tính của nhân vật. Đó là vai trò nặng nề thứ hai. Vai Thành Cát Tư Hãn cần có những động tác mạnh, vẻ mặt nghiêm lạnh. Vai Sơn Ca đòi hỏi sự tế nhị khi diễn xuất, sự xúc động của chính bản thân người đóng khiến khán thính giả phải khắc khoải, rúng động.
Anh sinh viên Đại Học Khoa Học thủ vai này đã diễn tả không nhập ý kịch nên tác giả Vũ Khắc Khoan đã ngưng ngang. Tôi nhận vai trò này mà run. Dù là đạo diễn nhiều vở kịch, nhưng bản thân tôi chưa diễn xuất ngoài sân khấu, ngoại trừ vài lần đứng ngâm thơ hay bắt nhịp cho Ban Văn Nghệ thuở còn đi học. Nhưng tôi mê nghệ thuật, say ánh đèn sân khấu. Với tôi, sự thành công sẽ tới khi mình yêu thích, say mê.
Các diễn viên phải thuộc lời đối thoại trước khi tập dượt. Bà Giám Học than thở vì vai trò của bà nặng nề, có mặt trên sân khấu từ đầu đến cuối vở. Vì lời đối thoại quá nhiều nên bà cứ lộn đoạn này sang đoạn khác. Tôi đã tính trước mục này. Trong sân khấu, hai bên cánh gà, có người nhắc tuồng cho toàn ban. Riêng với bà Giám Học, cô Mỹ, giáo sư Sử Địa hăng hái xung phong nấp dưới ngai vàng phủ da beo của Đại Hãn. Trên sân khấu rất nóng vì những ngọn đèn pha chiếu rọi. Cô Mỹ ngồi dưới ngai trong một khoảng chật hẹp, ngộp thở, tối tăm với ngọn đèn lù mù. Tôi nói với cô Mỹ điều này. Tôi biết cô sẽ khổ sở chịu đựng suốt hai tiếng đồng hồ vì thiếu khí trời và oi bức. Nhưng cô thản nhiên: “người nào cũng vất vả, việc tôi nhận là dễ nhất”. Đó là một anh hùng trong bóng tối, chịu cực cho trường, không đòi hỏi, không khoa trương. Sau khi các diễn viên thuộc vai trò, chúng tôi bắt dầu tập dượt. Cô Kim Oanh huấn luyện vai nữ. Tôi đạo diễn vai nam.
Người mà tôi dày công luyện nhất là bà Huỳnh Thanh Nhạn thủ vai Thành Cát Tư Hãn. Bà Giám Học đã xung phong trình diễn. Tôi là giáo sư làm việc dưới quyền bà mà phải dạy bà đóng kịch là một điều khó khăn cho cả hai chúng tôi. Nhiều khi hăng hái tập luyện, quên mất chức vị Giám Học, cấp trên của mình, tôi hét bà thẳng thừng. Chắc bà buồn tôi, nhưng vẫn vui vẻ chấp nhận vì danh dự nhà trường trên hết. Người bà phốp pháp oai vệ, nhưng dáng vẫn uyển chuyển, tướng của một nữ lưu mệnh phụ. Đó là cái khó cho sự tập luyện vai trò tàn bạo, cứng dắn nhưng cũng có lúc suy tư như một triết gia, mơ màng tình cảm của vị Đại Hãn Mông Cổ. Được cái tiếng nói của bà sang sảng vang động hợp với cái uy của Thành Cát Tư Hãn. Vì đã có tuổi, lại là bậc mệnh phụ, nên phần dưới nảy nở
hơi nhiều. Vì thế, bà phải ngồi trên ngai vàng nhiều hơn đứng. Khi đứng phải xoay nghiêng, trông có vẻ võ dõng hơn. Từ một phu nhân có tuổi đã được tôi luyện thành một võ tướng già oai hùng. Cũng là một kỳ công!
Bà Giám Học rất chịu khó. Có giờ rảnh lúc nào ở nhà, bà đứng ngay trườc gương tập lại những thế đứng, những cái vung tay, đá chân, luyện tiếng nói cho thêm đanh thép. Có đoạn vị Đại Hãn Mông Cổ phải giương một cánh cung bằng sắt rất nặng. Mới đầu, bà cầm một tay không nổi. Nhưng vở kịch đòi hỏi diễn viên chỉ cầm cung bằng cánh tay trái, tay phải để buông tên. Bà Giám Học nói với tôi bà sẽ cố gắng. Cuối cùng, bà thành công. Màn bắn cung đẹp và độc đáo. Sau này, ông Bộ Trưởng Văn Hóa Giáo Dục khi coi, phải thốt lên: “Không ngờ quí giáo sư đa tài và bà Giám Học anh dũng đến thế”.
Khi đạo diễn, tôi đóng vai Đại Hãn để bà rập khuôn theo nhưng bà không làm được. Vừa may cô Kim Oanh tới. Cô nói nên để bà tự ý diễn xuất hơn dạy bà bắt chuớc, bà sẽ thoải mái và tự nhiên hơn. Cô Kim Oanh để ý tới tâm lý diễn viên hơn vai tro của diễn viên trên sân khấu. Cô có lý vì bà Giám Học không phải là một kịch sĩ mà trong khi dạy kịch, tôi đã quá hăng say quên mất điều này. Sự phối hợp của hai lối chỉ dẫn của cô Kim Oanh và tôi đã đạt mức. Bà Giám Học đã làm trọn vai trò.
Một vai nữa làm tôi nhớ mãi là cô Đặng Kim Chi thủ vai loạn tướng Thúc Bột Đào. Tôi không cần chỉ dẫn nhiều vì cô Kim Chi vốn đã có sẵn dáng đẹp và hấp dẫn. Tôi chỉ dặn cô tránh quay lưng về phía khán thính giả khi múa gươm hành thích Thành Cát Tư Hãn – đó là qui luật sân khấu. Nhưng cô đã phá luật, đã nhiều lần cô quay lưng ra ngoài nhưng thành thật mà nói, động tác của cô lẹ và bắt mắt, giống như điệu luân vũ. Không biết trong hàng ghế khán thính giả có ai nhìn ra không? Duy kịch sư Vũ Khắc Khoan phê bình: “Lối diễn xuất của loạn tuớng kỳ lạ, nhưng được”. Thế là đủ vì ông rất ít lời.
Tôi cũng không bao giờ quên được cô Hạnh trong vai người đàn bà Tây Hạ. Bẩm tính cô giản dị, dễ thương. Cô có nụ cười tươi. Thế mà khi đóng vai bi thảm, cô làm tôi lạnh người. Nhớ mãi người đàn bà Tây Hạ ôm chặt con trong lòng, gục đầu quì trước ngai vàng Đại Hãn, năn nỉ van xin Đại Hãn tha chết cho hai mẹ con. Nhớ mãi cái đá của Đại Hãn làm đứa bé văng ra khỏi tay mẹ, rơi xuống đất. Người đàn bà chồm tới ôm lấy xác con (một con búp bê), gục mặt vào tử thi bé nhỏ trong tiếng hét thê lương đau đớn. Khi nàng ngẩng mặt, miệng nàng đầy máu, nàng đã cắn lưỡi tự tử! Đó là một thảm cảnh ai oán, rất bi thương, rất xúc động. Đứng trong cánh gà nơi hậu trường nhìn ra mà tôi cảm nhận mắt mình ươn ướt.
Toàn ban kịch, các giáo sư đã làm trọn vai trò. Sự thành công là do công lao của tất cả. Chính tôi cũng không ngờ những nhà giáo dục, những người quen cầm viên phấn đứng trước bảng đen lại thành công trên sân khấu kịch nghệ.
Nghĩ tới cô Chu Kim Long trong vai lão tướng Dương Bân cầu cứu tôi trước khi ra sân khấu: “Run quá! Biết làm sao đây?! “ Và tôi nhớ câu trả lời của mình: “Hãy coi những lớp đầu lô nhô trước mặt như là đầu của các em học sinh. Bạn sẽ bình tĩnh khi nghĩ sân khấu cũng là bục giảng!” Nói vậy mà hiệu nghiệm!
Hai đêm trình diễn vở Thành Cát Tư Hãn tại rạp Quốc Thanh thành phần diễn viên được giữ nguyên trừ vai Công Chúa Tây Hạ. Đêm đầu, nữ sinh 12C Kim Đức, người đẹp của Gia Long thủ diễn. Đêm thứ hai, cô Kim Oanh, giáo sư âm nhạc nhận lãnh. Mỗi người có một nét độc đáo riêng biệt. Bà Huỳnh Thanh Nhạn diễn với cô Kim Oanh hứng khởi và tự nhiên hơn. Điều này cũng dễ hiểu. Cả hai không quá chênh lệch tuổi tác và địa vị tương đương. Vả lại, đêm thứ hai mới là đêm quan trọng vì những nhân vật tên tuổi của Bộ Văn Hóa Giáo Dục ngồi ngay hai hàng ghế đầu. Giáo sư Vũ Khắc Khoan cũng có mặt đêm thứ hai. Tôi chỉ e ngại một mình ông!
Trước khi ra sân khấu, lòng tôi nao nao. Nhưng vừa vén màn, tiếng vỗ tay đã vang rền. Tôi lấy lại tự tin ngay. Tôi biết những nữ sinh Gia Long, những người ái mộ đang cổ võ tinh thần tôi. Lòng thanh thản, tôi diễn xuất thoải mái, nhập vai ngay từ phút đầu. Mỗi lời nói châm biếm của Sơn Ca, mỗi cử động đặc biệt của Sơn Ca đều có những tiếng la hét, tiếng vỗ tay hoan nghênh nở rộ, làm gì mà tôi không phấn khởi, làm gì mà tôi không lên tinh thần.. Lúc vai Sơn Ca bị Đại Hãn ra lệnh móc mắt, dù mắt đã được hóa trang thành mù lòa, tôi vẫn mờ mờ nhìn thấy trên mấy hàng ghế đầu nhiều vị nữ lưu lấy khăn tay thấm nước mắt. Lúc vai Sơn Ca bị Đại Hãn bóp cổ ằng ặc, tôi nghe thấy trong đám khán thính giả có tiếng la lớn: “Bỏ ngươi ta ra! Bỏ người ta ra!”. Tôi biết vai Sơn Ca được nhiều người mến mộ. Tôi biết mình đã thành công. Tôi biết toàn ban kịch đã dứt điểm. Nhất là khi
tấm màn nhung buông xuống, giáo sư Vũ Khắc Khoan tìm tôi trong hậu trường, phà những làn khói “pipe” vào mặt tôi, xiết chặt tay tôi, buông thõng hai chữ “cám ơn”. Ông đã hài lòng.
Trong khung trời kỷ niệm, tôi thấy giáo sư Việt văn Nguyễn Thị Nhung, bà chị yêu quý của tôi (mẹ danh ca Việt Dzũng) người bỏ công rất nhiều trong vấn đề hóa trang và y phục. Bà là người vẽ mày tô mặt cho các vai nam. Riêng cặp mắt mù lòa của tôi phải nhờ đến chuyên viên của trường Quốc Gia Kịch Nghệ. Bà Nhung với nhiều ý kiến chính xác đã giúp chúng tôi chọn thuê rạp Quốc Thanh trên đường Trần Hưng Đạo, ngay trung tâm thành phố. Bà cùng tôi tới gặp Kim Chung để mượn quần áo. Những gì còn thiếu, linh tinh vặt vãnh, chính bà là người đi mua sắm. Bộ đồ “voile” trắng tuyệt đẹp của Công Chúa Giang Minh là của đào Kim Chung. Bộ đồ satin đen, đai kim tuyến óng ánh bạc quá sang với Sơn Ca là của kép Út Hiền. Riêng bộ áo bằng da beo theo kiểu Mông Cổ cho Thành Cát Tư Hãn đã cũ và… hôi không thể ngờ! Khi bà Giám Học trút bỏ bộ đố Đại Hãn trong hâu trường, toàn ban kịch… dang ra xa… vì người bà bốc mùi khó chịu quá! Tôi nghiệp bà Giám Học. Thật là một hy sinh đáng kể!
Phông cảnh, âm thanh, ánh sáng quan trọng vô cùng. Vở Thành Cát Tư Hãn không đòi hỏi khung cảnh cầu kỳ. Tất cả xảy ra trong lều Đại Hãn. Chỉ cần một ngai rồng phủ da beo rằn ri, những cung, tên, đao, mác trên vách. Phần âm thanh, ánh sáng phải thuê chuyên viên của rạp Quốc Thanh. Ở Sài Gòn những năm xưa (thập niên 60-70) không có máy vi âm nhỏ mang trong người. Trên sân khấu, lủng lẳng hai giàn micro treo có thể theo sà xuống bám sát kịch sĩ. Diễn viên lăn lộn dưới đất, miệng gào thét vẫn nghe thấy tiếng rõ ràng. Toàn ban văn nghệ phải tới rạp để tập với chuyên viên âm thanh, ánh sáng ít nhất một lần trước ngày tổng dượt để các người này biết tới khúc nào kịch sĩ đi, đứng, ngồi, quỳ, quay cuồng… họ sẽ kéo micro theo và rọi đèn cho đúng, cho hợp với động tác làm nổi bật phong cách diễn xuất.
Đơn cử một thí dụ: vai Sơn Ca khi bị chọc mù mắt, nhưng tai vẫn nghe được những tiếng gào thét rên la của người Tây Hạ đang bị xử tử từng loạt. Sơn Ca lăn lộn đớn đau, không phải đau vì cặp mắt vừa bị móc ra mà đau cho dân mình đang bị tàn sát… dưới ánh đèn màu rêu thẫm và màu máu đỏ quay cuồng trên mình chàng, chập chờn điên loạn, ma quái ghê người… xen lẫn tiếng trống đổ dồn thúc giục sự chém giết, tiếng kêu khóc van xin trong tuyệt vọng. Đó là cảnh “đẹp” tàn nhẫn và khủng khiếp nhất của vở Thành Cát Tư Hãn. Nếu không có những tay chuyên viên âm thanh ánh sáng tài ba thì Sơn Ca diễn xuất hay thế mấy cũng không thành công trọn vẹn. Kịch sư Vũ Khắc Khoan rất thích cảnh này, ông cho là một màn “đầy kịch tính, máu, và nước mắt”.
Những ngày kế tiếp, báo chí ngợi khen vì không thể ngờ giáo sư Gia Long lại có tài diễn xuất… Những danh từ “mỹ nhân”, “kỳ nhân” được ghép cho diễn viên. Tôi thích câu phê bình “un coup d’essai qui vaut un coup de maitre”. Toàn ban văn nghệ vui mừng. Nhà trường hân hoan. Hai đêm kỷ niệm Gia Long 50 tuổi đã thâu được một số tiền lời khá sau khi trừ chi phí. Phòng thí nghiệm còn thiếu nhiều dụng cụ, hồ tắm mới khởi công xây cất, qũy học bổng đang vơi. Số tiền kiếm được chưa thấm vào đâu. Nhiệm vụ của Phòng Sinh Hoạt Học Đường, của Ban Giám Đốc, của nhà trường còn dài… Tôi nghĩ tới một vở kịch khác cho Đại Nhạc Hội kỳ sau.
Viết những dòng này, gợi lại khung trời dĩ vãng tuyệt vời, giờ chỉ còn là kỷ niệm, lòng bỗng thấy nao nao…buồn. Nhớ lại bạn cũ, người xưa, ngôi trường thân yêu không khỏi chạnh lòng. Dù mái tóc đã điểm sương, tôi vẫn thấy rạo rực như ngày nào cả nửa thế kỷ trước, vẫn mong về phục vụ trường cũ, xây dựng lại nền văn hóa giáo dục cho tuổi trẻ Việt Nam.
Giáo Sư Nguyễn Lân
Hiệu đính 11/2021
GS Nguyễn Lân trong vai Sơn Ca đối thủ của Thành Cát Tư Hãn
Thơ: Nguyên Dũng (Cựu học sinh Petrus Ký)
Nhạc, Đàn & Bè: Cao Thình
Tiếng hát: Thụy Uyển (GL 72-79)
Thỉnh thoảng có chút thì giờ rảnh xin gửi đến quý vị một vài bản nhạc xưa để nhớ về những kỷ niệm của một thời đã xa. Video này do cậu em trai Benny thực hiện hôm trước Noel 2021 hai ngày, với kỹ thuật thu âm va quay hình đơn sơ nên không được hoàn chỉnh lắm mong mọi ngưòi hoan hỉ đón nhận.
Kính chúc qúy vị một năm mới thân tâm an lạc.
Bản nhạc mang tên " Cái nón sắt" được lồng trong phim " người Tình Không Chân Dung" trước 1975
Thân qúy
Đăng Lan (GL 67)
Ký Ức Nữ Sinh "TRƯNG VƯƠNG" "GIA LONG" Ngày Xưa
Gia Long, Trưng Vương - Những Người Muôn Năm Cũ...
Nghe mấy cháu Gia Long diễu cợt với một cụ già Pétrus Ký. Các cháu nói về áo dài Gia Long, về quần xanh sơ mi trắng của Pétrus Ký, Pétrus Ký thập thò trước cửa Gia Long. Tôi bật cười, nhớ lại hồi xưa. Thời của cụ già Pétrus Ký này đâu có Gia Long áo dài và Pétrus Ký quần xanh sơ mi trắng.
Sơ Lược về Pétrus Ký
Vào trường là năm 1948. Khi đó trường còn tên là Lycée Pétrus Trương vinh Ký, tọa lạc ở góc đường Nancy (sau đổi là Cộng Hòa, thời Việt Nam Cộng Hòa) và đường 11ème RIC (sau đổi là đường Nguyễn Hoàng, thời VNCH). Sát với góc đường nầy còn là giao điểm của đường Féderic Drouet (sau đổi là đường Hồng Bàng, thời VNCH) đi vô Cholon, đường Hui Bon Hoa (VNCH đổi lại là đường Minh Mạng) đi về hướng Ngã Bảy, đường Chasseloup Laubat (sau đổi là đường Hồng Thập Tự, thời VNCH) đi ra Saigon. Trường Pétrus Ký ở giữa Saigon và Cholon. Xin xem hình Lycée Pétrus Ký, chụp từ trên không vào thời kỳ xa xưa.
Tới năm 1948, cho đến năm 1954, trường vẫn còn nguyên trạng với kích cở như vậy. Bốn dãy lầu (bên trái hình) trước kia (thời năm 1948) là dortoir cho học sinh nội trú. Về sau, thời VNCH, bốn dãy lầu đó được chuyển thành cơ sở của Faculté des Sciences.Lycée Pétrus Ký chỉ dành cho con trai. Trường có ban Cao Đẳng Tiểu Học (lúc đó gọi là Enseignement Classic hay Enseignement Primaire Supérieur) và ban Tú Tài (lúc đó gọi là Enseignement Secondaire). Ở ban nầy có nữ sinh, chừng hơn mươi cô, mặc áo dài (thường màu trắng), đoan trang, thông thái. Nói chừng hơn mươi cô, vì thời buổi đó (cuối thập niên 40), các cô học xong Enseignement Primaire Superieur (ở Gia Long hoặc không phải Gia Long) thì thường là mười tám, mười chin tuổi, nên các cô hoặc đi làm hoặc đi lấy chồng. Số qua Pétrus Ký để học ban Tú Tài là những cô ngoại lệ, vừa học giỏi (mới thi đậu vào học ban Tú Tài), vừa chưa muốn lấy chồng.
Học sinh Pétrus Ký thời buổi đó được ăn mặc tự do, quần short, hoặc quần tây dài. Áo sơ mi (bỏ ngoài hay bỏ trong quần), mang giày sandale hay giày bít. Nếu có đội nón thì thường là nón casque trắng (kiểu nón cối thuộc địa mà người Pháp thường đội thời đó). Màu quần, màu áo đa dạng. Mặc làm sao miễn là dể coi, không bắt buộc là quần tây dài xanh với áo sơ mi trắng bỏ trong quần. Vậy mà thời đó, có hai anh bạn, cùng lớp tôi, một người tên T. , một người tên H. Hai anh nầy thường mặc quần tây dài, hai ống quần túm bó hai ống chân trông như hai cái ống điếu. Áo sơ mi dài tay, rộng phùng phình. Áo bỏ trong quần nhưng phùng phình, xề xệ ở thắt lưng. Áo và quần, khi màu nầy, khi màu khác. Quần thì không nói. Nhưng áo thì có trắng, nâu, vàng, xanh… khi có hình bông hoa hoặc chim cò màu sắc lòe lẹt. Chân luôn mang giày da bóng lưởng, có mũi dẹp lép, gọi là giày bec-canard (giày mõ vịt), đế da cứng có đóng gót sắt, kêu cộp cộp trên nền gạch bông ở hành lang theo mỗi bước chân hai anh đi.Quên nói, đầu hai anh tóc dài nhưng chải gọn với brillantine láng cón, tém ra phía sau ót. Chải đầu cách đó được gọi là chải đầu tém. Cách ăn mặc của T. và H. như vậy là thời trang của những anh chàng ăn chơi hay công tử (bột) thời đó. Hai anh không phải là anh em một nhà nhưng thích đi chung với nhau. Mỗi lần thấy hai anh đi ngang qua, mấy học sinh hay nhìn theo rồi ngó nhau cười tủm tỉm. Không biết các thầy surveillant (giám thị) có để ý tới cách ăn mặc của T. và H. không, nhưng thấy trang phục của các anh như vậy hoài, lâu ngày cũng quen mắt. Tuy ăn mặc khác với anh em như vậy, nhưng T. và H. tiếp xúc và đối xử với anh em rất bình thường, không cao ngạo, không làm phách, mầy tao vui vẻ đề huề.
Về sau, T. là Tư lệnh phó Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Vào tháng 3 năm 1975, khi cả miền Trung rút về Saigon, T. đã ở lại cuối cùng,(…). Sau 30-4-75, T. bị đi cải tạo mười mấy năm, hiện đang định cư tại Dallas, Texas theo diện HO. Còn H., nghe T. nói là đã qua đời bên Việt Nam.Ngoài T. và H. các học sinh khác vì sinh vào thời chiến, nên số đông đều đi theo con đường binh nghiệp. Một số thi qua Pháp, vào Salon, Auxerre, Rocheford hoặc qua Maroc vào Marakech, theo ngành Không Quân. Số khác còn nấn ná ở Việt Nam để chờ thời, rốt cuộc cũng vào Võ Bị Quốc Gia Đàlạt, hoặc bị gọi đi Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Có người ra Nha Trang học Hải Quân bềnh bồng trên các chiến hạm, hoặc vào trường Không Quân học lái máy bay quan sát. Tất cả, khi ở trong quân đội VNCH,(….) Lâu dần, theo thời gian và chiến công, (kể riêng về PK 48), nhiều người lên Tá, lên Tướng, giữ các chức vụ Chỉ Huy Trưởng, Không Đoàn Trưởng, Hạm Trưởng, thuộc Hải, Lục, Không Quân của QLVNCH. Và, cũng có người biệt tâm, chắc là vào cỏi thiên thu, đền xong nợ nước. Ở Texas, ở Cali, bên Pháp, bên Úc, bên Canada… và cả ở Việt Nam, dân Pétrus Ký thời 48 hãy còn. Ở đâu không biết, nhưng ở Bolsa, nam CA, những anh Pétrus Ký 48 hay gặp nhau mỗi thứ năm hằng tuần trong một quán nước quen thuộc. Họ là những người đã có một thời oanh liệt. Gặp nhau để tán gẩu, nhắc chuyện thời xưa, thỉnh thoảng văng ra một tiếng chưởi thề. Họ bảo như vậy mới vui. Chỉ có ở chỗ riêng biệt với anh em như thế mới dám chửi thề. Ai nghe được thì nghe, không nghe thì thôi. Ở nhà không dám chưởi thề vì có mấy đứa cháu và nhất là có “bà chủ nhà”.Lâu lâu thấy có một bản Phân Ưu trên mail, ghi tên một cựu Pétrus Ký thời 48 thành nguời thiên cổ. Bên dưới bản Phân Ưu, là một dọc tên những người bạn cùng thời ở Pétrus Ký phân ưu, chừng mấy mươi người, có ở CA. ở TX, Canada, Pháp, Việt Nam, và ở Úc.Lúc còn đi học, có một ít vô khu theo Việt Minh vào những năm 50, 51, 52 rồi tập kết ra Bắc. Biết có mấy người tử trận trong trận chiến Mậu Thân khi từ Bắc xâm nhập miền Nam. Sau 75, có anh Pétrus Ký 48(…) vào tiếp quản các bệnh viện trong Chợ Lớn; có anh là chuyên gia về từ Liên Sô, làm việc trong một cơ quan khoa học kỹ thuật.Cũng có một số ít không vào quân đội, không theo Việt Minh, chuyên tâm học hành, đổ làm bác sĩ, kỷ sư, luật sư, làm giáo sư … tốt nghiệp trong chế độ VNCH. Một người tên H. từng là hiệu trưởng một trường trung học lớn ở Biên Hòa, hiện đang sống đơn độc trong nhà của Housing ở Fountain Valley, nam CA. Một người tên Q. từng có Master bên Mỹ trước 75, làm luật sư, sau 75 phải vượt biên, đang ở San Jose với gia đình của con cái.
Đó là bên Pétrus Ký. Còn bên Gia Long?
Thời đó, năm 48, Gia Long còn là Collège Gia Long, có cổng chính ngó ra đường Le Grand De La Lyraye (thời VNCH đổi là đường Phan Thanh Giản) với hai hàng cây sao cao ngất nghểu che mát con đường. Collège Gia Long chỉ dạy tới lớp 4ème Année của Enseignement Primaire Supérieur. Học xong lớp nầy, thi Diplôme (bằng Thành Chung) hoặc bằng Brevet 1er Cycle. Muốn học Tú Tài thì phải thi vào ban Tú Tài (Enseignement Secondaire) bên trường Pétrus Ký. Hồi đó, (tôi nói hồi đó) ở trong Nam, học tới Diplôme thì ngon lành rồi. Dù thi không đậu Diplôme (thi cữ thời đó rất khó) nhưng chữ nghĩa là tiếng Pháp đủ làm thầy thông thầy ký trong các công sở do người Pháp cầm đầu.Vì không phải là Gia Long nên không dám nói nhiều về Gia Long như đã nói về Pétrus Ký. Tuy vậy vẫn biết là vào thời đó, các nữ sinh GL nhập học năm thứ nhất (Première Année) không ít cô vào tuổi 13, 14, 15 (tuổi cập kê). Các cô đều mặc áo bà ba với quần vải đen đi học. Áo bà ba thường bằng vải, bằng popeline, đôi khi bằng soie. Màu trắng nhiều hơn các màu khác. Màu trắng là tượng trưng cho sự trong trắng của người con gái. GL lúc đó chưa có phù hiệu bông mai, cũng chưa mang nhản hiệu tên trường. Người Gia Long lúc đó cũng được ăn mặc tự do (như bên Pétrus Ký) nhưng trong khuông phép lễ giáo, đức hạnh truyền thống. Vì vậy, bộ đồ bà ba, áo trắng quần đen giãn dị đó là đủ cho một người con gái Gia Long. Người Gia Long có thể mang sandale hay mang dép, mang guốc. và che nắng bằng chiếc nón lá. Nón lá rẻ tiền, đội mát đầu, đầu không ra mồ hôi làm hôi tóc, lại có thể dùng làm quạt phe phẩy lúc trưa hè. Nón lá còn để che mặt khi cảm thấy có ai đang nhìn trộm. Không đội thì máng nón lá trên guidon xe hay cặp vào khuỷu tay.
Với bộ đồ bà ba, Gia Long thời đó có thể khi thì nhảy cò cò, nhảy dây, khi thì ngồi bẹp dưới đất đánh đủa. Nghịch hơn thì đá cầu, hoặc chơi “u – hấp”. Dù với bộ bà ba, không phất phơ lả luớt như những tà áo dài của Gia Long sau nầy, nhưng vào tuổi của năm thứ nhì (Deuxième Année), năm thứ ba (Troisième Année), với cái áo bà ba được cắt may vừa vặn, có chỗ eo, chỗ nở khéo léo đúng chỗ đúng nơi, Gia Long thời đó cũng làm mất hồn nhiều anh Pétrus Ký. Đơn sơ mà kín đáo, gọn gàng nhưng cũng yểu điệu nên rất dễ thương Lắm chàng bên Pétrus Ký khi hết giờ học vội vàng đạp xe qua Gia Long để được gặp nàng.
Gia Long còn có suối tóc đen mượt kẹp sát ót, thoát qua vành nón lá, chảy dài trên lưng áo trắng bà ba. Nhiều trai trẻ khi đạp xe ngang, phải xoay đầu lại ngẩn ngơ nhìn. Cái nhìn đó cũng được người ta thấy nhưng người ta giả bộ làm ngơ. Vì vậy, ít có Gia Long học đến Tú Tài. Vừa xong Trung học (Diplôme hoặc Brevet 1er Cycle) hay còn đang học là đã có người rước lên xe hoa. Gia Long nào đậu qua ban Tú Tài để trở thành Pétrus Ký thì mới bỏ bà ba để mặc áo dài.
Cũng có Gia Long “nâng khăn sửa túi” cho PK cùng thời đến “tóc bạc răng long”. Được trường hợp nầy, Pétrus Ký có thập thò trước cổng trường (hay nhà) của Gia Long thì cũng hân hạnh và chẳng bỏ công chút nào. Qua PK để học Tú Tài hay về nhà Pétrus Ký để sửa túi nâng khăn thì Gia Long cũng thành Pétrus Ký. (Gia Long! Đừng chọc quê Pétrus Ký nữa nha!)Ngày nay, các cô nói đến Gia Long mà chỉ nhắc về thời áo tím hay áo dài trắng, không nhắc đến Gia Long áo bà ba là thiếu sót lớn. Gia Long áo bà ba cũng vang bóng một thời. Lúc tôi biết là năm 48. Năm 47, trước đó một năm, cũng là Gia Long áo bà ba.Nói vậy vì tôi biết.
(….)Trở Lại Pétrusky Và Gia Long.
Có quân đội Nhật ở Đông Dương trong Thế Chiến II, có VM, có quân đội Pháp và chiến tranh Pháp với VM như đã đề cập bên trên là những biến cố khiến học sinh không đi học được liên tục và bị trễ học. Năm 47, 48, học sinh thi vô Gia Long và Pétrusky thường ở vào tuổi 13, 14, có khi là 15. Vô năm thứ nhứt (Première Année) với tuổi như vậy là học trể, nên đơn xin dự thi phải kèm theo đơn xin miễn hạn tuổi. Thời kỳ đó, năm 47, 48, đời sống còn khó khăn, nên cách ăn mặc cũng theo sự khó khăn mà thành đơn giản. Con gái, quần vải đen, áo bà ba trắng, mang dép hay guốc dông với cái nón lá trên đầu là đủ rồi. Con trai, quần short, áo sơ mi, giày Bata hay sandale, là tươm tất. Cha mẹ lo được cho con như vậy với chiếc xe đạp, để đi học trường Pétrusky và Gia Long Sau nầy, khi cụ Ngô đình Diệm về Việt Nam chấp chánh và người Pháp để Việt Nam được độc lập hoàn toàn, Việt Nam Cộng Hòa được thành lập. Giáo Dục được cải tiến. Pétrusky với Gia Long cũng như Trưng Vương với Chu Văn An, từ Bắc di cư vô Nam, đều có sắc phục. Con gái trung học thì mặc áo dài. Con trai trung học thì mặc quần tây dài xanh, áo sơ mi trắng bỏ trong quần. Tất cả đeo bảng tên trường với phù hiệu. Con trai thì không nói làm gì, nhưng con gái khi mới vô đệ thất Gia Long hay Trương Vương, bé xíu, mới mười một tuổi mà mặc áo dài thì thiệt tốn vải. Đã vậy, còn bất tiện cho các bé khi chơi đùa. Các bé phải quấn vạt áo cột ngang hông hay nhét vô lưng quần cho gọn, dễ chạy nhảy. Có khi vạt áo bị bé khác đạp trúng, đứt xoạt mất một vạt, mặc chẳng giống ai ……. Nhưng không sao. Thời kỳ cụ Ngô đình Diệm làm Tổng Thống là thời kỳ miền Nam tháì bình thạnh trị. Dân chúng có ăn, có mặc với các khu dinh điền, các khu trù mật ở khắp miền Nam. Những Người Bắc 54 đều gây dựng nên sự nghiệp, tài sàn ở Hố Nai, Gia Kiệm, Túc Trưng, Cái Sắn, v.v… Miền Nam giàu có. Nhiều đồng bào miền Bắc lỡ dịp di cư chánh thức nên kết bè vượt biển vô Nam tìm tự do.(…)Bây giờ, nước mất rồi. Tên trường cũng đã mất. Hoài niệm trường xưa, nhắc tới Gia Long áo tím thì đừng quên nhắc Gia Long áo bà ba như vừa nói và khi nói tới các cụ già Pétrusky thì đừng nói quần tây xanh với áo sơ mi trắng mà thôi.
Xót xa, ngày xưa không còn nữa!