Công cha, nghĩa mẹ ơn thầy - GLMĐ 2022
Sau gần 3 năm GLMĐ không có những buổi sinh hoạt họp mặt định kỳ vì lý do Covid còn đang hoành hành dữ dội, quý Giáo sư, các chị em Hội viên và thân hữu ai cũng ái ngại chuyện họp mặt đông đúc mặc dù rất nhớ, rất muốn được hàn huyên, tâm sự cùng nhau.
Thứ bảy ngày 11 tháng 06 năm 2022 vừa qua GLMĐ cũng mạnh dạn tổ chức buổi họp mặt khi thấy tình hình dịch bệnh có phần lắng dịu, hơn nữa ai nấy đều đã chích ngừa đầy đủ nên cũng an tâm phần nào. Buổi họp mặt được tổ chức vào buổi trưa tại nhà hàng Little Saigon với những món ăn mang đậm tính quê nhà, trong không khí vui vẻ, thân mật ấm cúng, quý Giáo sư và các chị em đều tươi tắn, rạng rỡ trong những chiếc áo dài tuyệt đẹp, gặp nhau tay bắt mặt mừng, nụ cười không tắt trên môi, hàn huyên tâm sự tưởng như không bao giờ chấm dứt.
Buổi tiệc năm nay, không rình rang đông đảo như những năm trước vì tình hình y tế nhưng vẫn giữ được tinh thần tôn sư trọng đạo, truyền thống nhớ ơn Cha Mẹ (chỉ tiêu của Hội), tình bằng hữu cũng được thắt chặt qua những cái nắm tay, những lời tâm tình thắm thiết, Hội cũng chào đón thêm được 3 em Gia Long lần đầu đến sinh hoạt và đặc biệt là sự ủng hộ với tuyệt đại đa số cho việc tín nhiệm, lưu giữ công tác của BCH trong những năm tới. Những bông hoa hồng thắm được gửi đến tận tay, những tấm hình kỷ niệm được chụp và đăng tải ở Trang Nhà "Hình Ảnh" sẽ là những kỷ niệm khó quên của quý giáo sư, các Mẹ, chị em Hội viên tham dự Ngày Nhớ Ơn Cha Mẹ năm nay 2022 của Hội.
Ban Chấp Hành xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ, tín nhiệm của quý Giáo sư các chị em HV, đó là một phần thưởng quý báu của quý vị dành cho chúng tôi, chúng tôi sẽ hết sức cố gắng làm tốt nhiệm vụ để duy trì những tình cảm trân quý này và, xin đa tạ.
Ban Chấp Hành GLMĐ Hoa Kỳ
2001 - 2021
GLMĐ được thành lập vào những năm 90, sau những buổi họp mặt thân mật ở từng nhà các thầy cô, các chị lớn và các bạn với những bầu nhiệt huyết, quyết tâm gây dựng, tụ tập để thành lập một nhóm và sau này thành Hội Ái Hữu nhằm mục đích giúp đỡ, thăm hỏi, hàn huyên, chia xẻ cùng nhau những vui buồn trong cuộc sống ở quê hương thứ hai này.
Với những đức tính cao quí, sẵn có của người phụ nữ Việt nam, chị lớn mà chúng ta quen gọi là “huynh trưởng” đã là những tấm gương sáng cho chúng ta noi theo. Qua đầu năm 2000, GLMĐ đã đủ lớn mạnh nên Hội nhà đã có thể vươn xa hơn, ngoài buổi họp mặt Ngày Cha Mẹ chính thức hàng năm, những lần sinh hoạt với các Hội đoàn trong vùng, GLMĐ còn nối kết được với các Hội Ái Hữu Gia Long ở khắp nơi trên thế giới.
Năm 2001, đánh dấu một bước quan trọng, GLMĐ tổ chức buổi họp mặt với tầm vóc lớn, mời tất cả các Hội đoàn Gialong trên thế giới tham dự. Nhưng rồi biến cố lịch sử 09/11/2001 xảy ra cho đất nước...Hoa kỳ bị tấn công... Toà tháp đôi ở New York bị sụp đổ, Ngũ giác đài bị tàn phá,....bao nhiêu gia đình mất mát, tinh thần dân chúng giao động, hoảng loạn, lo sợ...Với những biến cố to lớn đó, buổi họp mặt tưởng chừng không sao thục hiện được nhưng có đất trời che chở, những mái đậu lại chụm lại, những tinh thần, ý chí quyết tâm đã cùng nhau hoàn thành một buổi họp mặt, đầm ấm, thành công với tình cảm vững bền của các tâm hồn GL xa xứ, chan hoà trong tình thương vùi lấp đau khổ đã và đang xảy ra cho mọi người. GLMĐ được tiếp đón hàng trăm quan khách, các thầy cô, các chị em, các bạn là những cánh chim GL từ khắp mọi nới trên thế giới đã rủ nhau bay về vùng thủ đô mang ăm ắp những tâm tư tình cảm chất chứa nhiều năm để chụm lại chia xẻ những kỷ niệm, những tình cảm dành cho nhau đã chất chứa tràn đầy qua năm tháng...tình GL bền chặt, đậm đà dài lâu qua bao năm tháng.
Trong sự lớn dần của một Hội Ái hũu đã hiện hữu trên 20 năm, GLMĐ cũng trải qua nhiều tình cảm vui buồn, một vài thầy cô, các chị và các bạn GL đã ra đi vĩnh viễn, những mất mát không bao giờ bù đắp được. Một lần được tham dự buổi lễ kỷ niệm 20 năm của phu quân em GL đàn em, anh là người Việtnam duy nhất đã mất đi trong biến cố 09/11/2001.
Buổi tưởng niệm thật cảm động, làm rơi nước mắt của nhiều người tham dự nhưng đồng thời cũng là niềm hãnh diện cho thế hệ GL thứ hai, người con trai nhỏ bé ngày nào của anh nay đã thành công trên con đường học vấn, trưởng thành chững chạc với tương lai rực rỡ trước mặt, thế mới biết thế nào là sự tận tuỵ, hy sinh cho con cháu của những bà mẹ Việt Nam mà GL đàn em của chúng ta là điển hình, thật đáng hãnh diện.
Hai mươi năm, thời gian qua thật lâu nhưng cũng thật mau như chớp mắt, hôm nay hồi tưởng lại chúng ta đã có được những kỷ niệm êm đềm bên nhau, những mất mát tưởng khó tìm lại, GLMĐ ơi, chúng ta hãy trân quý những kỷ niệm đã và đang có và hãy ghi nhớ, đừng bao giờ quên những sự đấu tranh, những mất mát, hy sinh của bao người đã nằm xuống cho cuộc sống tự do, hoà bình trên thế giới này.
Kim Khuê
Tháng 9/2021
Kính thưa Thầy Cô,
Các chị em Gia Long quí mến,
Sau những ngày không khí oi bức, và nắng chói chang, bầu trời bỗng dịu lại và buổi sáng sớm có làn sương mỏng phủ lên cảnh vật, có làn gió heo may mơn man trên đôi má những ai dạo bước ngắm cảnh, và vài chiếc lá khô kêu xào xạc dưới bước chân khách bộ hành.
Những ngày giao mùa năm nay không gian bỗng tĩnh lặng để lòng người ngậm ngùi tưởng niệm biến cố 9/11 do bọn khủng bố mang đến đau thương tang tóc đến hàng nghìn gia đình nước Mỹ, trong đó có gia đình Anh Tú , GL 74-81. Mùa thu năm 2021 cũng đánh dấu ngày tụ tập Gia Long toàn thế giới do hội ái hữu cựu nữ sinh Gia Long Miền Đông Hoa Kỳ tổ chức 20 năm trước đây. Xin mời thầy cô và các chị em đọc bản tin mùa thu 2021 của GLMĐHK.
BCH Hội Ái Hữu Gia Long Miền Đông Hoa Kỳ
GLMĐ tổ chức ĐH đầu tiên
Ngày 9/11 lại đến! Đã 20 năm trôi qua từ ngày biến cố tang thương đột ngột xảy ra trên thủ đô nước Mỹ đến độ cả thế giới sững sờ. Và gần ba ngàn người vụt chết như mơ!
Sáng nay tôi thức dậy sớm, ngồi tĩnh lặng bên tách trà nóng, lắng lòng nghĩ đến câu chuyện của một cô em Gia Long 74-81 cùng sinh hoạt trong hội ái hữu nữ sinh Gia Long Miền Đông Hoa Kỳ là Hồ Nguyễn Anh-Tú.
Có những chuyện thật xảy ra trên đời mà bi tráng cứ như tiểu thuyết đẫm lệ, nhưng ở đây người trong cuộc đôi khi quá đớn đau đến tê điếng không nhỏ được giọt lệ nào!
Năm 2001, Anh-Tú và Ngọc Khang là một đôi vợ chồng trẻ, nghề nghiệp vững vàng, cùng làm việc trong Ngũ Giác Đài, có đứa con trai kháu khỉnh là cháu Ngọc An lên 4. Chiều tối ngày 6 tháng 9 năm ấy Anh Tú bị tai nạn, thương tích khắp người, xe cấp cứu đến chở vào bệnh viện. May mắn là không nguy hiểm đến tính mạng. Bác sĩ gia đình lúc đó là GL Trần Thu Tâm, bảo Anh-Tú phải nghỉ phép ở nhà... Vài hôm sau trong buổi cơm chiều cùng gia đình, Ba em cứ căn dặn, "Không nên lái xe ra ngoài lúc trời tối, dễ bị tai nạn". Khang cười bảo: “Mỗi người có số. Có khi ngồi trong nhà, máy bay cũng rớt xuống đâm mình chết Ba à."
Lời nói định mệnh ấy đã vận vào Khang! Ngày 11 tháng 9 năm 2001, Khang đi làm và đã không trở về nhà với vợ con nữa... Sáng sớm hôm sau, 12 tháng 9, Anh Tú trở lại Ngũ Giác Đài nhưng chỉ được đứng cách xa nhìn vào, nơi chồng làm việc đã bị sụp đổ tan tành. Khói đen đầy trời và mùi khét lẹt còn bao trùm không gian.
Bé Ngọc An mỗi chiều vẫn đứng cửa sổ trông ngóng bố đi làm về. Hai hôm sau sở cho kéo xe của Khang đậu trong Ngũ Giác Đài đưa về nhà giao lại. An thấy xe thì mừng rỡ chạy ra, nhảy lên nhảy xuống, ép mặt vô kính cửa sổ xe để tìm Cha… Cuối tháng 9, gia đình em được Ngũ Giác Đài thông báo là họ đã tìm ra một phần thân thể của Khang qua việc kiểm nghiệm và xác định DNA. Tang lễ đã diễn ra ngày 6 tháng 10 năm 2001.
Rồi từ đó mẹ trẻ một mình nuôi con côi…
Sau ngày cha mất, bé An trở nên thầm lặng, không hiếu động ồn ào như trước nữa. An dường như không thích hợp với khung cảnh nhà trường. Cháu thường cô lập với mọi người, không hiểu cô giáo nói gì, và cô giáo cũng không hiểu được những gì An muốn nói. Có thể đây là một trường hợp tự kỷ ám thị chăng? Những em như thế chỉ sống trong thế giới bọc kín của mình và không hội nhập được vào cuộc đời bên ngoài. Nhà trường đã nhiều lần mời Anh Tú đến nói chuyện về “em bé khác biệt” này. Họ cho An vào chương trình học đặc biệt của những trẻ chậm phát triển. Ngoài giờ học trong trường, gia đình phải đưa cháu đi gặp pschycologists và speech therapists nhiều nơi, trong bao nhiêu năm vẫn không kết quả. Bà Ngoại bảo, "Mình đã làm hết sức rồi. Thôi thì phải kiên tâm cầu nguyện." Anh Tú tuyệt vọng đáp: “Con mất hết niềm tin rồi. Mẹ có thương thì cầu nguyện cho An dùm con đi!" Và bà Ngoại đã tiếp tục cầu nguyện mỗi ngày...
Thế rồi như một phép lạ, đến năm lớp 4, An bỗng “thoát khỏi vỏ bọc của thế giới riêng tư” và hòa nhập vào sinh hoạt trong trường lớp. Bắt đầu từ đó, An học giỏi và nhận nhiều giải thưởng trong trường.
Năm 2011, An 14 tuổi. Em viết một lá thư cho cha. Cuối thư, em hứa sẽ cố gắng chăm chỉ học và trở thành một người tốt để xứng đáng với cha và làm cho cha tự hào. Thư được chọn và in trong quyển sách "The Legacy Letters". Đó là tuyển tập những bức thư của người nhà, viết gởi cho người thân đã khuất trong vụ khủng bố tấn công. Sách đã được phát hành tháng 9 năm 2011 để tưởng niệm Mười năm biến cố 9/11.
Nhiều lần An được Tổng thống Bush và các Tổng thống kế nhiệm mời vào tòa Bạch Ốc trong những ngày kỷ niệm 9/11. An ăn nói lưu loát, em có thể đọc diễn văn bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt.
An đã thực hiện đúng lời hứa với ba. Hai mươi năm sau, ngày 9/11 năm nay, 2021, Ngọc An vừa tròn 24 tuổi, tốt nghiệp xuất sắc bằng Thạc sĩ (Master of Science). Em có được một công việc xứng đáng, đã đi làm ngay sau khi tốt nghiệp bằng Cử nhân (Bachelor of Science) năm 2019. An đã nối gót cha mẹ mình, đang là một Software Engineer. Vừa rồi An cùng mẹ tổ chức một ngày tưởng niệm ba Khang cùng với những nạn nhân khác đã chết thảm khốc trong ngày 9/11/2001. Dù tổ chức trong phạm vi giới hạn của nạn dịch Covid đã có hơn 100 quan khách tham dự thật long trọng nhưng đầm ấm.
Có lần nghe Anh Tú kể lại diễn biến tốt đẹp không ngờ trong con đường học vấn của An, tôi buột miệng nói: “Có lẽ ba Khang linh thiêng đã theo dõi phù hộ cho con”. Anh Tú gật đầu: “Em cũng tin như vậy đó chị!”
Xin trân trọng bày tỏ lòng ngưỡng mộ đến mẹ con Anh-Tú và Ngọc An. Xin cầu nguyện cho thế giới qua khỏi mọi tai ương và tất cả mọi người sống nhân hậu với nhau.
Thúy Messegee
9/11/2021
Chú thích thêm:
Quyển sách "The Legacy Letters" đã được phát hành tháng 9 năm 2011 để tưởng niệm Mười năm biến cố 9/11. Đó là tuyển tập những bức thư của người nhà, viết gởi cho người thân đã khuất của mình.
Cô Gayle King đã đọc hết quyển sách và đã chọn ra 3 lá thư để đọc trong chương trình tưởng niệm 20 năm ngày 11 tháng 9. Olivia (30), Lauren (28) và An (23) đã được mời đến studio ở thành phố New York. Các cháu không được biết trước câu hỏi, không được tập dợt, vừa đến thì được thâu phần đọc lá thư của mình, rồi khi cô Gayle đến là cameraman quay ngay buổi phỏng vấn.
Ba lá thư, ba cách viết khác nhau nhưng đều rất cảm đông. 3 đứa bé ngày xưa nay trưởng thành với 3 cách suy nghĩ và diễn đạt tư tưởng khác nhau nhưng đều giống nhau ở điểm: rất tự nhiên và chân thât.
Xin click lên link dưới đây để vào trang web của CBS Mornings. Trang web có 2 phần, phần trên là video (click lên dấu > Play để xem phỏng vấn), phần dưới là hình ảnh và bài viết tóm tắt câu chuyện.
GL Anh Tú, cháu An và GS Kim Oanh trong ngày giỗ 20 năm của gia đình